Huyết áp cao như thế nào thì cần dùng thuốc?
Hơn một năm trước, các hướng dẫn về huyết áp đã được cập nhật. Điều này có nghĩa là thêm 31,3 triệu người Mỹ được coi là có huyết áp cao. Vấn đề, theo các chuyên gia, là rất nhiều người dân và thầy thuốc không biết chắc liệu có nên bắt đầu dùng thuốc hạ huyết áp hay không?
Theo hướng dẫn mới, một người bị coi là có huyết áp cao nếu chỉ số ít nhất là 130 đối với huyết áp tâm thu (số ở trên) hoặc 80 đối với huyết áp tâm trương (số ở dưới). Trước đây, con số để xếp một người vào mục huyết áp cao là 140/90.
Việc để mức thấp hơn này có thể cứu sống được nhiều người. Ví dụ, một nghiên cứu được công bố vào cuối năm ngoái trên tờ Circulation ước tính rằng nếu tất cả người Mỹ từ 45 tuổi trở lên có thể giữ huyết áp dưới 130/80, thì sẽ ngăn ngừa được 3 triệu ca đột quỵ và đau tim trong một thập kỷ.
Một mức huyết áp trong khoảng 130-139/80-89 làm tăng gấp đôi nguy cơ biến chứng tim mạch như đau tim so với huyết áp dưới 120/80. Lý do là tổn thương mạch máu bắt đầu ngay khi huyết áp tăng lên.
Dưới đây là một hướng dẫn nhanh về những con số bạn nên biết và liệu bạn có cần uống thuốc không.
1. Biết số đo huyết áp của mình
Các hướng dẫn cập nhật phân loại số đo huyết áp thành 5 mục:
• Bình thường. Số trên thấp hơn 120 và số dưới thấp hơn 80.
• Tăng. Số trên từ 120 đến 129 và số dưới thấp hơn 80
• Giai đoạn 1. Số trên từ 130 đến 139, hoặc số dưới từ 80 đến 89.
• Giai đoạn 2. Số trên từ 140 trở lên, hoặc số dưới từ 90 trở lên.
• Cơn tăng huyết áp. Số trên cao hơn 180 hoặc số dưới cao hơn 120.
Điều quan trọng là phải biết con số huyết áp của mình nằm trong mục nào, và có rất nhiều người không biết điều này. Ngay cả trước khi các khuyến nghị năm 2017 được ban hành, 13 triệu người Mỹ bị cao huyết áp mà không được chẩn đoán, theo CDC.
Nếu không được kiểm soát, áp lực quá mức có thể làm hư hại các mạch máu trên khắp cơ thể và làm tăng nguy cơ không chỉ đau tim và đột quỵ, mà còn là suy tim, tổn thương thận, giảm thị lực và tắc nghẽn động mạch. Nhưng nếu cao huyết áp được phát hiện sớm, bạn có thể điều chỉnh quá trình trước khi tổn thương xảy ra.
Vì vậy, hãy kiểm tra huyết áp ít nhất hai năm một lần và thường xuyên hơn nếu bạn từ 50 tuổi trở lên hoặc có các yếu tố nguy cơ khác gây tăng huyết áp. Đối với hầu hết mọi người, sẽ là ý hay nếu thực hiện điều này mỗi khi đi khám bác sĩ.
Nếu con số ban đầu là cao, đừng hoảng sợ. Có thể có một số yếu tố, bao gồm căng thẳng hoặc caffein. Nếu huyết áp cao và bạn không có tiền sử cao huyết áp, bác sĩ có thể đo lại sau khoảng 5 phút và nếu vẫn còn cao, một lần đo nữa sau đó một vài tuần sẽ xác nhận.
Bạn có thể muốn nghĩ đến máy đo huyết áp tại nhà. Đôi khi, những người có số đo huyết áp cao tại phòng khám thực ra lại có huyết áp bình thường ở những nơi khác, như ở nhà, một tình trạng được gọi là “tăng huyết áp áo choàng trắng”. Và nếu bạn có chẩn đoán huyết áp cao, máy đo tại nhà có thể giúp kiểm soát huyết áp.
2. Trước hết hãy thay đổi lối sống
Số đo huyết áp hơi cao không có nghĩa là bạn cần nghĩ đến thuốc. Thay đổi lối sống là cần thiết nếu huyết áp của bạn trên 120/80 (được coi là chỉ số bình thường).
Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm huyết áp tâm thu tới 9 điểm và giảm khoảng 5kg có thể giảm 2,5 đến 10 điểm huyết áp. Tránh thừa muối natri (vượt quá 2.400mg một ngày) cũng có thể giảm từ 2 đến 8 điểm trong số đo huyết áp ở một số người.
3. Cân nhắc thật cẩn thận về thuốc
Nếu huyết áp bị coi là cao, bạn nên sử dụng các chiến lược lối sống ở trên để giảm chỉ số huyết áp của mình.
Và ngay cả khi huyết áp nằm ở giai đoạn 1, 130-139/80-89 – trước tiên bạn vẫn nên thử những thay đổi lối sống.
Các hướng dẫn mới không khuyên tất cả những người bị xem là cao huyết áp giai đoạn 1 dùng thuốc để hạ huyết áp, mà chỉ những người đã có tiền sử bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch mới cần.
Lưu ý rằng điều trị bằng thuốc để hạ huyết áp chỉ liên quan với giảm nguy cơ tử vong và bệnh tim mạch ở những người có huyết áp tâm thu cơ bản là 140 trở lên, theo đánh giá của nghiên cứu được công bố năm ngoái trên tạp chí JAMA Internal Medicine. Không có bằng chứng mạnh mẽ nào cho thấy thuốc sẽ giúp cho những người có số huyết áp thấp hơn.
Vì vậy, hãy nói chuyện với bác sĩ về mức độ nguy cơ chung của bạn đối với bệnh tim và liệu bạn có nên dùng thuốc hạ huyết áp hay không.
4. Dùng thuốc thật cẩn thận
Một khía cạnh đôi khi bị bỏ qua của hướng dẫn huyết áp mới là có thể cần tăng liều đối với những người đã dùng thuốc điều trị để giúp họ đạt được đích huyết áp thấp hơn.
Tuy nhiên, điều trị tích cực hơn chỉ nên được thực hiện “sau khi đã có sự nỗ lực bền vững với thay đổi lối sống trước tiên”. Lý do là liều cao hơn, hoặc thậm chí thêm thuốc vào phác đồ, có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ tiềm ẩn như suy giảm chức năng thận, hoặc chóng mặt, có thể làm tăng khả năng té ngã, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Ví dụ, khi giảm huyết áp của người già quá mạnh mẽ, thì bệnh nhân có nguy cơ cao bị ngã và gãy xương.
Cần đặc biệt thận trọng, nhất là ở người cao tuổi. NÓi chung các bác sĩ thường bắt đầu với liều thuốc thấp nhất có thể và sau đó đánh giá lại trong một vài tuần.
Và theo dự đoán của nghiên cứu trên tờ Circulation, với số người dùng thuốc tăng huyết áp nhiều hơn hoặc nhiều người dùng liều cao hơn, nước Mỹ có thể gặp thêm 3 triệu ca tai biến do tác dụng phụ của thuốc.
Sẽ hợp lý khi bắt đầu với loại thuốc cũ nhất, an toàn nhất và ít tốn kém nhất: thuốc lợi tiểu, như chlorthalidone hoặc hydrochlorothiazide.
Tuy nhiên, những thuốc này có thể làm tăng đường huyết. Vì vậy, nếu bị đái tháo đường týp 2 hoặc có nguy cơ mắc bệnh này, bạn có thể cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ hoặc xem xét một loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc ức chế ACE hoặc thuốc chẹn kênh canxi.
Nếu nhận thấy tác dụng phụ, cần báo cho bác sĩ. Nhưng đừng tự ý ngừng thuốc.
Hầu hết các tác dụng phụ đều có thể kiểm soát được so với hậu quả nghiêm trọng của huyết áp cao như đau tim và đột quỵ.
Nếu bạn đã dùng thuốc trong một thời gian và đã đạt được mức huyết áp đích, hãy thử trao đổi với bác sĩ về việc giảm liều, đặc biệt là nếu bạn đã áp dụng các thay đổi lối sống khác như giảm cân và tập thể dục.
Cẩm Tú
Theo CR